Cúng ông Táo chầu trời (ngày 23 tháng Chạp)
Trong các vị thần thời cổ, Táo thần (thần bếp) là vị thần theo sát cuộc sống của mọi người với vai trò là tay chân của Ngọc hoàng đến với muôn nhà, hàng ngày có nhiệm vụ ghi lại những công tội, tốt, xấu của mọi người ở trần gian để hàng năm vào ngày 23 tháng Chạp lại trở về trời báo cáo với Ngọc Hoàng. Ngọc Hoàng sẽ căn cứ vào cuốn sổ ghi chép này của Táo thần để thưởng cho mọi người cái tốt và phạt cái xấu, cái ác. Trong Bão phác tử của Tấn Cát Hồng còn nói: “Căn cứ vào cuối tháng, Táo thần lại về trời để phản ánh tình hình nhân gian. Nếu ai có lỗi với Táo thần (Việt Nam gọi là Táo quân), sẽ bị Táo thần báo cáo với Ngọc Hoàng, tội nghiêm trọng thì bị cắt bớt 300 ngày sống, nếu tội nhẹ thì cũng bị cắt bớt 100 ngày sống! Kiểu phạt bằng cách cướp đi thời gian sống của loài người thì ai mà không sợ. Chính vì thế, thời cổ dân gian hầu như nhà nào cũng hết sức thành tâm thờ cúng Táo quân, không giám đơn sai. Tất nhiên mọi người thờ cúng Táo quân không chỉ vì sợ mà mọi người muốn cầu xin Táo quân ban cho mình những điều tốt đẹp”.
Theo dân gian, ông Táo hay Thổ công gồm có ba vị (hai ông, một bà), có nơi gọi là vua Bếp. Đây là vị thần trông coi mọi hoạt động của gia chủ, ngăn cản sự xâm phạm của ma quỷ.
Lễ tục cúng ông Táo có từ rất lâu đời, dân ta tin rằng có thần Bếp đêm ngày vô hình ngồi ở cạnh bếp, theo dõi công việc của chủ nhà rồi đến cuối năm lên trời báo cáo với Ngọc Hoàng thượng đế. Để cho ông đi đường thuận lợi, chủ nhà phải biện lễ: Nấu xôi chè, đốt vàng hương, mua cá chép cho ông cưỡi. Thường là cá chép vì cá này đã vượt vũ môn hóa thành rồng nên có thể báo cáo được.
Nguồn gốc của tục lệ này như sau: Xưa có người tên là Trọng Cao, lấy vợ là Thị Nhi, nhưng ăn ở với nhau đã lâu mà không có con sinh ra buồn phiền, xích mích. Một hôm Trọng Cao đánh vợ. Thị Nhi bỏ nhà đi, sau này gặp Phạm Lang rồi nên vợ nên chồng.
Trọng Cao ân hận, đi tìm vợ. Một lần Trọng Cao vào một nhà xin ăn, lại đúng vào nhà vợ cũ của mình. Hai người nhận ra nhau mừng mừng, tủi tủi. Thị Nhi sợ Phạm Lang về bắt gặp sẽ hiểu lầm nên bảo Trọng Cao trốn tạm vào đống rơm ngoài vườn để nàng tìm cách lo liệu cho êm đẹp.
Trọng Cao mệt mỏi ngủ thiếp trong đống rơm. Cùng lúc đó, Phạm Lang về nhà nhớ việc thiếu tro bỏ ruộng liền châm lửa đốt đống rơm. Sự việc xảy ra nhanh chóng, Thị Nhi thấy vậy ân hận, xúc động nhảy vào đống rơm đang cháy, Phạm Lang thương xót vợ cũng nhảy vào lửa chết cháy theo. Thượng đế cảm động vì ba người sống có tình, có nghĩa nên phong cho làm Táo Quân: Phạm Lang là Thổ công trông nom việc trong bếp, Trọng Cao là Thổ Địa trông coi việc trong nhà còn Thị nhi là Thổ Kỳ coi sóc việc chợ búa.
Từ sự tích trên nên cứ đến ngày này người ta sắm mũ Thổ công ba chiếc, một của Nữ thần, hai là của Nam thần. Thường thì 23 tháng Chạp thường làm lễ tiễn để ông Táo lên chầu trời, tấu trình mọi sự của gia chủ, đến trưa 30 tháng Chạp thì có mặt ở nhà tiếp tục công việc…
Lễ vật trên ban Thổ công, ngoài mũ, áo, hia, bài vị còn có thêm cây mía (làm gậy chống), giấy vàng, giấy bạc, trầu nước, hoa quả. Những ngày lễ lớn đặc biệt là ngày 23 tháng Chạp thì có thêm cỗ mặn (xôi, rượu, thịt), một con cá chép sống. Lễ xong sẽ phóng sinh con cá ra ao hoặc ra sông, con cá sẽ hóa rồng đưa Thổ công lên trời.
Sau khi sắm đủ lễ vật, người ta thắp đèn, nến sáng ban thờ rồi châm hương. Hương thường được dùng số lẻ 1, 3, 5 nén, vì số lẻ thuộc dương. Nếu trên ban thờ có hai, ba, hoặc bốn bát hương cũng đều phải châm số lượng hương như nhau.
Sau khi châm hương, người chủ gia đình vái bốn vái rồi đọc văn khấn, khấn xong lại vái tạ bốn cái. Khi vái, hai hàn tay áp vào nhau, hoặc cài ngón vào nhau, biểu trưng cho sự giao hòa âm dương. Điều cốt yếu là người hành lễ phải thành tâm, thành kính, nghiêm túc sẽ khiến cho Thần linh chứng giám, độ trì.
Khi cháy gần hết tuần hương, gia chủ thắp tiếp tuần hương khác, vái bốn vái xin phép Gia thần, Gia tiên hóa vàng (đốt giấy vàng, giấy tiền). Khi hóa xong thì đổ vào đống tro một chén rượu, có như vậy cõi âm mới nhận được đồ lễ mà cõi dương chuyển đến. Hóa vàng xong thì hạ lễ, khi hạ lễ gia chủ cũng phải vái bốn vái xin phép.
VĂN KHẤN ÔNG TÁO LÊN CHẦU TRỜI
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Con lạy chín phương trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương.
Con kính lạy ngài Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân.
Tín chủ (chúng) con là:………………………………………………………
Ngụ tại:…………………………………………………………………
Hôm nay ngày hai mươi ba tháng Chạp, tín chủ con thành tâm sắm sửa hương hoa vật phẩm, xiêm, hài, áo mũ, kính dâng Tôn Thần. Thắp nén tâm hương tín chủ con thành tâm kính bái, chúng con kính mời ngài Đông Trù Tư Mệnh Táo phủ Thần Quân hiển linh trước án thụ hưởng lễ vật.
Cúi xin Tôn Thần gia ân xá tội cho mọi lỗi lầm trong năm qua gia chủ chúng con sai phạm. Xin tôn Thần ban phúc, phù hộ toàn gia chúng con, trai gái, trẻ già sức khỏe dồi dào, an khang thịnh vượng, vạn sự tốt lành.
Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin được phù hộ độ trì.
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!