Tết Hạ Nguyên ( hay Tết Cơm mới ngày 15 tháng 10)
Nguồn gốc tết Hạ nguyên:
Theo phong tục dân gian, tết Hạ Nguyên được tiến hành vào ngày 15 tháng 10, cũng có thể là ngày mồng 1 tháng 10 âm lịch hàng năm. Theo quan niệm của ông bà ta ngày xưa, những ngày này Thiên đình cử thần Tam Thanh xuống trần gian để xem xét công việc làm nông của dân tình để về tâu với Ngọc Hoàng. Do vậy, mọi nhà phải tiến hành làm lễ để thần Tam Thanh ban phúc lành, tránh tai họa và cũng là dịp “tiến tân” cơm gạo mới cúng tổ tiên.
Nhân tết Hạ Nguyên mọi người đều mua quà và gạo nếp mới cùng những đặc sản lúc giao mùa Thu – Đông để biếu ông, bà, cha mẹ và những bậc được tôn kính để tỏ lòng hiếu thuận, biết ơn bề trên.
Theo phong tục từ xưa, ngày tết Cơm mới (hay còn gọi là tết Hạ Nguyên) nhà nhà đều nấu xôi gạo mới, sắm sửa hương hoa cúng dâng lên tổ tiên. Ở một số vùng dân tộc thiểu số, lễ này được tổ chức rất long trọng, không cố định vào ngày 15 tháng 10 (âm lịch) mà họ thường là từ tháng 9 đến tháng Chạp (thời gian thu hoạch mùa màng).
Phong tục đón tết cơm mới của một số dân tộc thiểu số:
Tết cơm mới của người Dao Tuyển
Người Dao Tuyển ở Lào Cai cư trú chủ yếu tại các huyện Bảo Yên, Bảo Thắng, Bát Xát, Mường Khương, Bắc Hà và thành phố Lào Cai. Trong số các lễ tết truyền thống diễn ra theo chu kỳ canh nông, tết Cơm mới được tổ chức vào tháng 9 (âm lịch) hàng năm khi lúa nương đến thời điểm thu hoạch ở hộ gia đình nhưng lại mang quy mô cộng đồng bởi quy tụ nhiều thành viên cùng tham gia, là dịp để con cháu dâng cơm mới cho tổ tiên, thần linh đã phù trợ, giúp đỡ trong sản xuất nông nghiệp. Mặt khác, tết Cơm mới còn là dịp để thanh niên tìm hiểu, giao duyên…thông qua sinh hoạt giã cốm, xin cốm, hát cốm.
– Thu hoạch, đón hồn lúa
Từ sáng sớm khi mặt trời mới ló trên đỉnh núi, các gia đình chuẩn bị một chiếc gùi bên trong để con dao dựa, hái nắm hoa mào gà (tượng trưng cho hồn lúa) cùng đoàn giúp việc lên nương. Tại nương, bà chủ nhà (tượng trưng cho hồn lúa mẹ) lấy một cây nhỏ tiến về phía Đông giữa mảnh nương, nhẹ nhàng buộc chụm 3 khóm lúa và nắm hoa mào gà vào cành cây nhỏ hàm ý giữ hồn lúa ở lại nương rồi nín thở hái 3 bông lúa đầu tiên. Từ đây, mọi người cùng giúp gặt lúa, trai gái chia theo từng khoảnh, họ vừa hái vừa hát “… Một năm lam lũ nắng mưa; công người được trả bằng mùa lá thơm; tháng chín mùa vàng trải khắp nơi; tháng mười rồng vàng về với tổ…”. Khi mặt trời đứng bóng, mọi người cùng thu và bó thành các cum lúa, dùng đòn gánh vận chuyển về nhà, hai cum lúa chính được gài hoa mào gà phía đỉnh và một số loại hoa rừng hàm ý cây cối đơm hoa kết trái, mùa màng tốt tươi…Đoàn giúp việc cùng bà chủ đưa hồn lúa đến gần nhà, gia chủ chuẩn bị sẵn tiếp nhận hai cum lúa chính và mời rượu những người đã giúp đỡ đưa hồn lúa về nhà, cum lúa được trịnh trọng đặt trong nhà, bên cạnh để mấy cum nhỏ tượng trưng cho con cháu của hồn lúa. Sau đó bày cơm, cùng ăn uống vui vẻ sau một buổi lao động vất vả và mừng cho mùa thu hoạch mới, đón được hồn lúa về với gia đình.
– Giã cốm, làm cơm mới
Sau bữa cơm, mọi người tiếp tục giúp gia chủ tuốt lúa làm cốm, cơm mới. Người tuốt dùng bát hoặc mảnh tre tuốt từ phía ngọn để tẽ thóc cho rời ra khỏi cọng rơm, dùng giá vo gạo để đãi thóc rồi luộc, giang thóc đến khi đủ chín, đợi cho thóc nguội mới giã, đây là giai đoạn vất vả nhất khi làm cốm. Thông thường trong bản không phải nhà nào cũng làm cốm mà chủ yếu đối với những gia đình có con gái lớn mới tổ chức làm, thành viên dự lễ ngoài việc đến giúp còn hẹn hò nhau chuẩn bị cho tình yêu đôi lứa; già làng đại diện khai hội hát bằng những đường giã đầu tiên, tiếp đến là thanh niên trai gái. Dường như các hạt cốm càng dai bao nhiêu thì tiếng chày kêu rộn rã của những nàng thiếu nữ lại mạnh mẽ bấy nhiêu xoá tan đi sự mệt nhọc, chẳng bao lâu những hạt cốm đã toả ra hương thơm ngát quyến rũ khiến các chàng trai khẩn trương hơn trong xiêm áo và những lễ vật cần thiết cho một đêm hát giao duyên vui vẻ nhớ mãi cho đến tận mùa sau. Theo quan niệm của người dân, việc giã cốm làm cơm mới cũng là dịp để báo cho thần bếp biết kết quả của một mùa thu hoạch. Sau một hồi giã ngoài sân một số cô gái tiếp tục giã cốm trong bếp; các chàng trai đã chuẩn bị sẵn đồ vật trong túi tiến gần giả ngó xem bị các cô gái bất ngờ phát hiện và đuổi bắt vào cùng giã cốm; trong túi của những chàng trai có để con cua (làm từ lá cây) hàm ý xấu hổ, củ khoai sọ hàm ý xin và cảm ơn, quả ớt tỏ lòng thương đối với các cô gái phồng tay khi giã cốm…
– Dâng cúng tổ tiên, thần linh
Sản phẩm lúa mới được chế biến thành bánh dẹt “cờ mau dặp” và bánh tròn “cờ mau che” cùng các lễ vật như gà, thịt… dâng cúng cảm tạ tổ tiên, thần linh trong ngày thu hoạch đầu tiên. Thầy cúng “na man” mời thần Công tào để truyền tin lên 3 vị thần: Thần nhà, Thần nông, Thần thổ địa nghênh đón các vị thần, làm lễ tạ ơn các thần đã giúp đỡ cho một năm được mùa, hồn lúa giờ đây được về đầy đủ và đem theo nhiều hồn lúa con cháu…Tiếp đến thầy cúng cầm chuông và cum lúa đực, lúa cái quay 3 vòng thuận theo chiều kim đồng hồ rồi quay lại một vòng trao lại cum lúa cho ông bà chủ, ông chủ cất các cum lúa vào bịch và dặn hồn lúa ngoan ngoãn ở lại với gia đình, sau đó quay ra quỳ gối lạy cảm tạ thầy cúng rồi lấy mấy bông thóc cài lên bàn thờ tổ tiên.
– Xin cốm, hát giao duyên
Khi trời tối hẳn các cô gái vừa nói cười vui vẻ vừa giã cốm. Còn ở đầu hồi nhà, các chàng trai đeo những chiếc sọt và hoa quả, thay cho lời hạnh phúc lứa đôi. Khi tiếng chày kêu nhẹ dần đó là dấu hiệu báo công việc giã cốm đã xong; lúc này các chàng trai dùng dây đưa sọt cùng lễ vật qua đầu hồi nhà bắt đầu hát những bài hát xin cốm, các bài hát được hát đi hát lại nhiều lần làm sao thuyết phục được các cô gái trong nhà, đối với những người hát yếu hơn thì các nàng chỉ thả cốm vào sọt rồi rung dây để các chàng ăn ở ngoài. Tuy nhiên nếu các chàng hát xin cốm khéo, hay sẽ được các nàng ra ngoài bắt (vồ) thì họ mới vào, khi đã vào cùng nhau hát theo nhiều chủ đề như hát xin cốm, hát việc làm ra cốm, ra lúa gạo mùa màng, quan trọng hơn cả là hát giao duyên về tình yêu. Cuộc vui kéo dài hơn sau nghi lễ dâng cúng tổ tiên, thần linh gia chủ thịt một con gà sau đó cho cốm vào nước luộc nấu cháo với vị ngọt hương nước thịt, vị béo và thơm của hương cốm mới càng hấp dẫn thêm cho đêm hát; họ cười, hát và ép nhau ăn cháo, uống rượu cho đến sáng; họ hát hẹn nhau trên nương, trên mùa thu hoạch…vị cháo cùng rượu làm các chàng trai, cô gái nhớ mãi chỉ mong chờ đến ngày thu hoạch mới.
Tết cơm mới của người Dao Tuyển không chỉ là nghi lễ trong nông nghiệp mà còn là ngày hội mừng mùa thu hoạch mới, là nơi hò hẹn của các chàng trai cô gái tìm đến nhau, hiểu nhau hơn thông qua sinh hoạt giã cốm và hát giao duyên. Tôn thờ cây lúa, người Dao gắn tình yêu trai gái vào cây lúa nên ví lúa tẻ là con trai, lúa nếp là con gái. Đến khi gieo trồng họ trộn một ít lúa nếp và lúa tẻ có nghĩa người con trai lấy vợ, thanh niên không những mong muốn có được một mùa thu hoạch, mà còn mong muốn được tìm hiểu để đi đến hạnh phúc lứa đôi cùng sự sinh trưởng, hẹn hò từ chu kỳ canh tác “cây lúa nương”.
Lễ ăn cơm mới của người Êđê
Người Êđê cũng tổ chức lễ ăn cơm mới sau mùa thu hoạch vào dịp cuối năm âm lịch. Lễ đựơc tổ chức to hay nhỏ, nhiều ngày hay ít ngày tuỳ thuộc vào kết quả thu hoạch mùa màng của mỗi gia đình.
Lễ ăn cơm mới không chỉ là dịp để người Êđê tận hưởng thành quả sau những ngày lao động nhọc nhằn, mà ý nghĩa lớn hơn là để người dân tạ ơn vị thần mà họ coi trọng – đó chính là vị Thần lúa.
Khi tổ chức lễ ăn cơm mới, đàn ông trong nhà lo việc chuẩn bị rượu thịt, phụ nữ lo việc nấu nướng. Con trai chặt củi, con gái giã gạo. Người già lo chọn áo, váy, khố…đẹp nhất trong nhà dùng cho ngày lễ. Nếu gia chủ là tộc trưởng thì họ hàng, dân làng trong buôn còn phải đóng góp đồ cúng.
Khi các chén rượu cần đã được buộc vào cột, lợn, gà đã được mổ thịt xong xuôi thì thầy cúng hút rượu cần hoà vào một bát tiết lợn, rồi trân trọng mời nữ chủ nhân cao tuổi nhất trong gia đình. Sau đó, thầy đi vẩy rượu chúc phúc nơi bếp lửa, cầu thang, kho lúa, dàn chiêng.
Khi nghi lễ kết thúc là lúc tiệc vui bắt đầu. Người nữ chủ nhân được mời uống rượu cần đầu tiên, tiếp đó mới đến những người trong họ rồi người trong buôn. Mọi người ăn uống vui chơi, múa hát tự nhiên, thoải mái cho đến khi nào không muốn hát nữa thì về. Những người dự lễ được mời nối tay trên cần rượu, nghe chiêng, nghe hát Aday (một loại dân ca trữ tình). Trước khi ra về, mỗi người khách còn được chủ nhà biếu một gói thức ăn nhỏ, như sự chia đều may mắn cho mỗi gia đình.
Khi đêm đã khuya, mọi già làng từng trải và giỏi giang sẽ được mời kể Khan (trường ca truyền thống của người Êđê). Những chiến công của các dũng sĩ Đam San, Đam Di luôn là niềm hứng khởi và tự hào của người Ê đê khiến họ luôn say mê nghe.
Theo tuần tự lễ ăn cơm mới được trải đều từ nhà này sang nhà khác, từ tháng Chạp đến tháng Giêng trong không khí nhộn nhịp, hân hoan của mùa màng thắng lợi, âm hưởng rộn ràng của khung cảnh đất trời vào xuân rộng lớn, mênh mang.
Tết cơm mới ở Tương Dương (Nghệ An)
Lễ mừng cơm mới được bày cúng cùng với các món ăn quen thuộc, thường ngày của bà con như món mọc cá, mọc gà, là thứ được trộn từ nấm, bột gạo nếp, lá sả và các loại gia vị rồi buộc túm, hong lên. Mâm cúng còn có rượu siêu, rượu cần và các loại thịt nướng…..
Lúa mới được chuyển từ nương về, chất lên sạp bên những mái hiên, trong vườn, hoặc trước nhà như những bức tường lúa. Bức tường nhà ai cao hơn nghĩa là nhà ấy gặp nhiều may mắn nhất trong bản. Sau đó buôn làng tổ chức hội “Kin khẩu mờ” – Ăn cơm mới.
Tết cơm mới là phong tục mường bản từ xưa, nên mỗi lần gặt lúa mới về nhà là bà con bản trên mường dưới lại tưng bừng mừng lúa. Với tục lệ “Kin khẩu mờ” này, người làm rẫy luôn muốn dạy cho con, cho cháu biết quý trọng hạt cơm, củ sắn bởi nó là thứ nuôi sống con người và là thành quả của mồ hôi công sức cha ông. Lễ cúng mừng cơm mới không cầu kỳ như những tục lệ khác, nhưng là lễ quan trọng nhất trong năm vì nó báo hiệu sự ấm no đã đến và một năm cũ lao động nặng nhọc đã qua đi, cũng vì vậy mà nó còn được người Tương Dương gọi là “Tết rẫy”.
Lễ cúng mừng cơm mới không giới hạn về thời gian như ngày tết mà kéo dài đến cả tháng. Nhà nào gặt trước, làm lễ trước; nhà nào gặt sau, làm lễ sau. Thường thì lễ này tiến hành rầm rộ nhất từ tháng 9 đến tháng 10 âm, nên trong thời gian này, đi khắp bản mường đều được mời dự bữa mừng cơm mới với bà con.
VĂN KHẤN TẾT CƠM MỚI
(Tiết thường tân)
Hôm nay…………………………..
Tín chủ là…………..ở…………..
Kính lạy chư vị Tiên sư Thánh đế, Thổ địa Long mạch chính thần.
Kính lạy chư vị Tổ tiên, Hương linh nội – ngoại.
Dám xin cáo với Đức Tiên sư Thánh đế họ Thần Nông ngồi ở chín trùng, nối liền mãi mãi.
Nhân thời tùy đất mọi việc lo toan
Đẽo cầy làm bừa dạy dân cấy hái.
Đương đại thường thấm đức cao sâu.
Muôn thuở phải chịu ơn mưa móc
Nay nhân tiết Cơm mới xin bày lễ bạc,
Kính thỉnh đức Tiên đế cùng chư vị Tôn thần.
Kính mời Tổ tiên, Hương linh đồng lai phối hưởng
Diêu soạn thứ tu, trà tửu kim ngân
Phù hộ cho tín chủ được sở nguyện tòng tâm
Gió hòa mưa thuận mùa lại mùa thắng lợi.
Sức khỏe dồi dào chăm công việc năm năm.
Xóm làng (đường phố) yên ổn không sợi rối ren,
Quan lại thanh liêm chẳng lo đói khát.
Sống lâu trong thế cuộc bình yên,
Vui vẻ cùng cảnh nhà khoái lạc.
Thực đội ơn Đức Tiên đế cùng chư vị Gia thần, Gia tiên vậy.
Kính cẩn dâng lời!