Site icon Văn Cúng Lễ Tết Việt Nam

Những điều cần biết trong thờ cúng giỗ họ

nhung-dieu-can-biet-trong-tho-cung-gio-ho-1

Cúng giỗ họ

Quan hệ huyết thống của người Việt khá phức tạp. Gia đình chỉ là một đơn vị độc lập tương đối bởi vì giữa các gia đình trên một phạm vi nào đó lại tồn tại một quan hệ ràng buộc tức là, họ hàng, dòng tộc. Và theo “quy định” huyết thống ấy, nhiều gia đình sẽ họp thành một ngành, nhiều ngành họp thành một họ. Mỗi họ có một ông tổ chung.

Vì vậy, ngoài ngày giỗ tổ tiên tại gia đình, người Việt còn có ngày giỗ họ. Trưởng tộc là người được hưởng hương hoả của tổ tiên nên có trách nhiệm phải lo việc làm giỗ họ. Trong ngày giỗ họ, con cháu đều phải góp giỗ. Mỗi họ đều có một cuốn gia phả ghi chép họ tên, chức tước, ngày tháng sinh tử của tổ tông và người trong họ theo thứ tự để mọi người cùng dồng họ vấn tổ tầm tông. Và đương nhiên cuốn gia phả của dòng họ sẽ do người trưởng tộc giữ.

Con cháu trong một họ lập từ đường để thờ vị Thuỷ tổ. Trên bàn thờ ấy có bài vị Thuỷ tổ của dòng họ. Xưa kia bài vị thường được ghi bằng Hán tự, ngày nay có nhiều người dùng chữ Quốc ngữ để đề bài vị. Ngoài Thần chủ đồ thờ còn bao gồm đèn, nến, hương, hoa, mâm quỳ mâm bồng, đài rượu, hoành phi câu đối (trên đó ghi lại công đức của tổ tông). Đây là những đồ không thể thiếu trong gian thờ. Có nhiều họ không xây từ đường thì xây một đài lộ thiên, dựng bia đá, ghi tên thụy hiệu các tổ tiên. Mỗi khi có giỗ tổ hoặc có tế tự thì cả họ ra đó cúng tế.

Mặc dầu đã có của hương hỏa, nhưng đến ngày giỗ tổ, con cháu tùy thứ hạng cấp mà góp giỗ, gửi giỗ. Tiền cúng giỗ còn thừa sẽ dùng để mua sắm tự khí, hay tu sửa nhà thờ. Ngày giỗ họ, các trưỏng ngành, chi họ đều phải có mặt, trường hợp bất khả kháng mới có thể vắng mặt.

Chuyện góp giỗ và tổ chức giỗ họ hàng năm được chuẩn bị rất chu đáo. Theo phong tục chỉ có đàn ông trong họ trên 18 tuổi mới phải góp giỗ (được gọi là tính theo đinh). Có nhiều họ theo quan niệm “con gái là con người ta” nên không cho con gái dự giỗ họ, nhưng con dâu “mới đúng là con mua về” thì được tham dự. Ngày nay, niệm ấy đã dần được xoá bỏ. Ngày giỗ họ không mòi khách khứa, chỉ có con cháu trong họ tập trung cúng giỗ và ăn uống. Các ngày rằm, mồng một, ngày lễ, ngày tết việc lễ bái sẽ do nhà trưởng họ lo. Đến tháng Chạp thì cả họ lại họp nhau lại như ngày giỗ tổ.

Những dòng họ lớn, khá giả, trong ngày giỗ họ, ngoài nghi thức cúng lễ giỗ do tộc trưởng thực hiện, con cháu còn có thể mời phường bát âm tới tế lễ.

Đã bao thế kỷ trôi qua, cung cách và quan niệm thờ phụng tổ tiên của người Việt Nam xét theo góc độ nào đó đã có nhiều thay đổi nhưng ý nghĩa lớn nhất thì vẫn giữ nguyên. Người Việt Nam coi việc thờ phụng tổ tiên là một trong những nguyên tắc đạo đức làm người. Đó là hình thức thể hiện sự hiếu thuận và lòng biết ơn của con cháu đối với các bậc sinh thành.

 

Exit mobile version