Site icon Văn Cúng Lễ Tết Việt Nam

Văn khấn Tổ tiên (ngày Tết Trung thu)

van-khan-to-tien-ngay-tet-trung-thu-1

TẾT TRUNG THU (Tết thiếu nhi)

Ý nghĩa:

Theo các nhà khảo cổ học thì Tết Trung Thu ở Việt Nam có từ thời xưa, đã được in trên mặt trống đồng Ngọc Lũ. Còn theo văn bia chùa Đọi năm 1121 từ đời nhà Lý, Tết Trung Thu đã được chính thức tổ chức ở Kinh thành Thăng Long với các hội đua thuyền, múa rối nước và rước đèn.

Theo nghiên cứu thì ở Á Đông người ta coi Mặt Trăng và Mặt Trời là vợ chồng. Họ quan niệm Mặt Trăng chỉ sum họp với Mặt Trời một lần mỗi tháng (vào cuối tuần trăng). Sau đó, từ ánh sáng của chồng, nàng mãn nguyện ra đi và dần dần nhận được ánh dương quang – trở thành trăng non, trăng tròn để rồi lại đi sang một chu kỳ mới.

Do vậy, trăng là âm tính, chỉ về nữ và đời sống vợ chồng. Và ngày Rằm tháng Tám, nàng Trăng đẹp nhất sáng nhất, nên dân gian làm lễ mở hội ăn Tết mừng Trăng.

Việt Nam là nước nông nghiệp nên nhân lúc tháng Tám gieo trồng đã xong, thời tiết dịu mát, là lúc muôn vật thảnh thơi nên người ta tổ chức hội cầu mùa và ca hát vui chơi Tết Trung Thu.

Tết Trung Thu đã trở thành ngày tết của trẻ em (Tết Thiếu nhi), còn được gọi là Tết trông Trăng hay Tết Đoàn viên. Trẻ em rất mong đợi được đón tết này vì thường được người lớn tặng đồ chơi, thường là đèn ông sao, mặt nạ, đèn kéo quân, súng phun nước… rồi bánh nướng, bánh dẻo. Vào ngày tết này, người ta tổ chức bày cỗ, trông trăng. Thời điểm trăng lên cao, trẻ em sẽ vừa múa hát vừa ngắm trăng phá cỗ. Ở một số nơi người ta còn tổ chức múa lân, múa sư tử, múa rồng để các em vui chơi thỏa thích.

Sắm lễ thắp hương:

Trong ngày tết Trung Thu gia đình làm cỗ cúng Gia tiên, tối đến bày cỗ thưởng Nguyệt.

Trong mâm cỗ Trung Thu không thể thiếu bánh nướng, bánh dẻo, vì hai loại bánh này tượng trưng cho Mặt Trăng, người ta còn gọi là Nguyệt Bính. Và nếu ngắm trăng thu mà không ăn Nguyệt Bính thì sẽ là vô nghĩa. Ngoài ra còn hoa quả: hồng, bưởi, na, chuối, cốm (miền Bắc).

Văn khấn Tổ tiên (Ngày Tết Trung Thu)

Nam Mô A Di Đà Phật! (3 lần)

Tín chủ chúng con là:…………………

Ngụ tại :…………………

Hôm nay là ngày Rằm tháng Tám gặp tiết Trung Thu, tín chủ chúng con thành tâm sắm lễ, hương hoa trà quả, dâng lên trước án.

Chúng con kính mời ngài Bản cảnh Thành Hoàng chư vị Đại Vương, ngài Bản xứ Thần linh Thổ Địa, ngài Bản gia Táo Quân, Ngũ Phương, Long Mạch, Tài thần. Cúi xin các ngài giáng lâm trước án chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật.

Tín chủ chúng con lại kính mời các vị Tiền chủ, Hậu chủ ngụ tại nhà này, đất này đồng lâm án tiền, đồng lai hâm hưởng. Xin các ngài độ cho chúng con thân cung khang thái, bản mệnh bình an. Bốn mùa không hạn ách, tám tiết hưởng vinh quang thịnh vượng.

Giãi tấm lòng thành cúi xin được phù hộ độ trì và chứng giám.

Nam Mô A Di Đà Phật ! (3 lần, 3 lạy)

Cẩn cáo!

Exit mobile version