Cúng Thần tài
Một số gia đình còn có cả bàn thờ Thần tài, tức là vị thần đem lại tiền tài, giàu có cho gia chủ. Theo truyền thuyết thì xưa có người lái buôn tên là Âu Minh. Âu Minh hiền lành, chăm chỉ, buôn bán khắp nơi nhưng vẫn lận đận. Một hôm Âu Minh đi qua hồ Thanh Thảo được Thủy Thần đem cho một con hầu tên là Như Nguyệt. Âu Minh đem con hầu về nhà thì tự nhiên việc làm ăn, buôn bán phát đạt và chỉ vài năm sau trở thành người giàu có trong vùng. Nhưng một hôm Âu Minh nổi nóng, đánh Như Nguyệt quá tay. Như Nguyệt sợ hãi bỏ trốn vào đống rơm rồi biến mất.
Từ ngày người hầu ra đi, gia cảnh nhà Âu Minh dần dần sa sút, rồi thất cơ lỡ vận lại lâm cảnh nghèo túng, bấy giờ Âu Minh mới nghĩ ra, đoán Như Nguyệt là Thần Tài nhưng cơ sự đã lỡ…
Phải chăng từ tích này mà dân gian có tục kiêng hót rác đầu năm, sợ Thần tài ẩn trong đống rác đó nếu đổ đi sẽ mất lộc. Do vậy, các ngày mồng một, mồng hai tết họ thường quét dồn rác vào một góc nhà, mong sự làm ăn phát đạt sẽ đến và lưu lại trong năm.
Từ quan niệm trên nên nhân dân ta, nhất là các nhà buôn bán lập bàn thờ Thần tài. Nói cách khác, ở những nơi xó xỉnh, góc nhà, hàng hiên miễn sao thích hợp. Nghĩa là không đặt ở nơi khang trang, sạch đẹp thoáng như bàn thờ Tổ tiên, hay bàn thờ Thổ công.
Người xưa cúng Thần tài quanh năm, không chỉ vào dịp giỗ, tết sóc vọng. Trong các dịp giỗ, tết sóc vọng cúng Thần tài là cúng mặn và có khi là cả mâm cỗ. Trong những ngày thường cúng Thần tài đơn giản hơn, chỉ cần có trầu, nước và có thể có đĩa trái cây.
Bàn thờ Thần tài cũng chỉ là một chiếc khảm nhỏ, sơn son thiếp vàng, có khi chỉ là một chiếc thùng gỗ dán giấy đỏ xung quanh. Bàn thờ Thần tài không cần to. Phía trong khám dán bài vị của Thần tài. Trước bài vị là bát hương, có hai cây đèn nhỏ. Trong khám đặt mấy cốc nước, chén rượu. Có một mâm bồng để bày hoa quả phẩm vật khi cúng lễ.
Có gia đình khắc trên khám mấy chữ đại tự và hai bên có đôi câu đối nội dung ca tụng sự giúp đỡ của Thần tài và sự cầu mong của gia chủ.
Vào mỗi buổi chiều hàng ngày, lúc chuông chùa điểm, bàn thờ Thần tài được thắp hương lên, có khi gia chủ khấn vái trước bàn thờ. Vì việc khấn vái chỉ nên làm trong những ngày giỗ tết, sóc vọng.
VĂN KHẤN THẦN TÀI
Duy Việt Nam quốc… niên… nguyệt… nhật….
Tín chủ….. ngụ tại…
Đồng gia quyến đẳng bái thỉnh:
Cẩn dĩ hương đăng hoa quả… cảm kiều cáo vu.
Kính thỉnh: Ngũ phương ngũ thổ Long thần
Tiền hậu địa chủ Tài thần
Giám lâm hâm hưởng, gia hộ gia ân,
Tăng tài tăng lộc, vạn sự hưng long
Sở nguyện tòng tâm, thượng kỳ giám chỉ
Bảo ngã tín chủ, dĩ phú niên niên
Cẩn cốc
Dịch nghĩa
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Năm… tháng… ngày…
Tín chủ… ở tại thôn… xã (phường)… huyện (thành phố)… tình… cùng toàn gia lễ thỉnh
Kính dâng hương đăng hoa quả… Kính cẩn thưa rằng.
Kính cáo: ngũ phương ngũ thổ Long thần
Tiền hậu địa chủ Tài thần
Tiếp nhận lòng thành, che chở ban ân
Thêm tài thêm lộc, mọi sự đều lành
Cúi mong soi xét, nguyện ước thành tâm
Phúc đến năm năm, giúp cho tín chủ
Kính cẩn dâng lời!