Những điều cần biết về lễ Phật Đản

Lễ Phật Đản

Nguồn gốc lễ Phật Đản

Lễ Phật Đản là ngày kỷ niệm Đức Phật đản sinh tại vườn Lâm Tỳ Ni, năm 624 trước Công nguyên, diễn ra vào ngày 15 tháng 4 Âm lịch trong năm. Theo truyền thống Phật giáo Đông Á, ngày này chỉ là ngày kỷ niệm Phật đản sinh; tuy nhiên, theo Phật giáo Nam truyền và Phật giáo Tây Tạng thì ngày này là ngày Tam hiệp (Phật đản, Phật thành đạo và Phật nhập Niết bàn). Trước năm 1959, các nước Đông Á thường tổ chức ngày Lễ Phật đản vào ngày mồng 8 tháng 4 âm lịch. Nhưng đại hội Phật giáo thế giới lần đầu tiên tại Colombo, Tích Lan từ 25 tháng 5 đến ngày mồng 8 tháng 6 năm 1950, gồm 26 nước là thành viên đã đi đến thống nhất ngày Phật đản quốc tế là ngày rằm tháng tư Âm lịch; là ngày vui của Phật tử trên toàn thế giới. Các Phật tử mừng ngày Phật đản để tưởng niệm đến đấng Cha Lành, với lòng từ bi vô hạn, Ngài đã hành đạo nhiều vô số kiếp để tìm ra con đường giải thoát cho Ngài và cho chúng sinh.

Trong Lễ Phật đản, sau khi tụng kinh và làm các thủ tục, người ta đem tắm phật bằng thứ nước thơm, rồi lau bằng một chiếc khăn lụa đỏ, sau đó xé ra chia cho mỗi người một mảnh để làm “phước”, trừ ốm đau bệnh tật.

le-phat-dan

Tích xưa kể lại rằng, một vị Bồ tát với tâm từ bi muốn cứu độ chúng sinh thoát khỏi chốn đau khổ mê lầm, đã dày công tu luyện để đem lại con đường giải thoát cho chúng sinh.

Thấy duyên chứng ngộ đạo quả Bồ đề đã đầy đủ, Đức Phật giáng sinh xuống cõi Ấn Độ, vào bào thai của hoàng hậu Maya, vợ vua Tịnh Phạn thuộc dòng Thích Ca. Lúc bấy giờ, Ấn Độ là một nước rất văn minh, có Tịnh Phạn Vương là bậc hiền nhân và hoàng hậu Maya là người tài sắc, đức hạnh vẹn toàn.

Gần 10 tháng sau, một buổi sáng khi hoàng hậu đang cùng người hầu trên đường về quê mẹ đẻ chuẩn bị cho kỳ sinh nở, bà vào nghỉ chân ở vườn Lâm Tỳ Ni. Cảnh vườn tuyệt đẹp, cây cao, bóng mát, chim xanh ríu rít, hoa nở khắp nơi. Khi nàng đến vịn vào cây sala, Đức Bồ tát liền nhẹ nhàng đản sinh. Ngài vững vàng bước đi 7 bước, tuyên bố:

“Trên thiên giới, dưới người trần thế

Chỉ có ta cao quý phi thường

Thân này kiếp chót Pháp Vương,

Không còn trở lại con đường tử sanh”.

Đất trời hoà nhạc, muôn hoa đón chào ánh quang minh tỏa rực khắp nơi nơi, mọi chúng sinh nghe lòng hoan lạc. Quả đất động lòng rung chuyển. Khi đó là ngày rằm tháng tư (Âm lịch), cách đây 2.543 năm.

Lớn lên, Ngài là một vị hoàng tử khôi ngô tuấn tú, văn võ toàn tài, thông minh xuất chúng, được vua cha cưng chiều hết mực. Nhà vua cho xây ba tòa cung điện thật đẹp để hoàng tử ở theo ba mùa nóng, lạnh và mưa, lại thêm ba hồ sen xanh, đỏ, trắng tỏa ngát sắc hương. Vườn hoa xinh đẹp luôn được chăm sóc cẩn thận với muôn ngàn hoa thơm cỏ lạ. Y phục Ngài mặc đều là lụa thượng hảo xứ Kasi. Đội vũ nhạc xinh đẹp luôn luôn đem niềm vui đến cho hoàng tử. Bao vây Ngài toàn là những thứ thích ý vừa lòng. Tất cả những gì xấu xa, khổ đau, già úa đều bị ngăn cấm, không được diễn ra trước mắt Ngài. Cho dù vậy, Ngài không hề say đắm trong những xa hoa này. Trong tâm Ngài, lòng từ bi lúc nào cũng ngút ngàn và trí tuệ luôn sáng tỏ.

  Những điều cần biết về lễ tơ hồng 

Nhân duyên đưa đến. Một hôm khi cùng người hầu ngự xe ngựa đi dạo phố, tình cờ Ngài gặp cảnh già, bệnh, chết. Nhận thức rằng cuộc đời này thật không bền vững, nó bị sự chi phối của vô thường và khổ não mà sự vinh hoa chẳng qua chỉ là một chút hạnh phúc ảo huyền, nên từ đó Ngài hàng suy tư và tìm cách thoát khổ.

Một hôm vào lúc nửa đêm, Ngài yên lặng đến nhìn vợ con lần cuối trước khi giã từ. Lòng từ bi của Ngài đối với họ thật nhiều, nhưng tâm từ bi của Ngài đối với chúng sinh đau khổ còn nhiều hơn. Ngài muốn cho mọi người thật nhiều hạnh phúc. Và điều hạnh phúc ấy là hạnh phúc thoát khỏi vòng sinh tử, chấm dứt mọi khổ đau.

Hoàng cung đêm đó thật yên tĩnh. Mọi người đang ngủ say. Đêm khuya trong vắt như pha lê. Trên trời lấp lánh muôn ngàn vì sao dẫn lối. Với ngọn đuốc thiêng rực sáng trong tim mình, Ngài thắng ngựa thẳng tiến vào màn đêm.

Đức Phật xuất gia vào lúc 29 tuổi.

Ngài đã gặp rất nhiều đạo sỹ và học theo họ. Ngài nhanh chóng lĩnh hội được các giáo lý của họ. Song Ngài không thoả mãn mà luôn luôn đi tìm đường tu luyện cao hơn. Về sau, Ngài gặp 5 vị đạo sỹ chuyên cần tu theo phương pháp khổ hạnh, Ngài cũng thực hành theo. Sáu năm khổ hạnh, Ngài chịu nóng, chịu lạnh, thực hành nhiều cách khổ đau. Ăn uống quá ít ỏi, một hôm Ngài đuối sức té ngã. Tỉnh lại, nhận thức rằng con đường khổ hạnh hành xác không phải là con đường giải thoát, Ngài tắm rửa rồi dùng thực phẩm trở lại. Từ đó Ngài chọn lối tu bằng con đường trung đạo, là con đường không theo ái dục, cũng chẳng thiên về khổ hạnh hành hạ xác thân.

Một hôm, khi đang ngồi tham thiền dưới gốc cây đại thọ, Ngài được nàng Sujata để chút sữa trong bát vàng dâng cúng. Dùng sữa xong, Ngài thả bát vàng xuống sông phát nguyện: “Nếu như ta chứng được đạo quả Bồ đề thì bát vàng hãy trôi ngược dòng sông!”. Thật nhiệm mầu! Cái bát như có linh tính liền ngược dòng trôi trở lên.

Phấn khởi, Đức Phật chọn ngồi tham thiền dưới một cội cây tỏa bóng râm rộng lớn. Ngài nguyện: “Cho dù thịt có khô và máu có cạn, nếu không giác ngộ ta quyết không rời nơi đây!”.

Với lời nguyện vững chắc, Ngài tĩnh tọa tham thiền dưới cây đại thọ. Không bao lâu, tâm Ngài đi vào các tầng thiền định. Ngài thấy vô số kiếp, Ngài thấy sự sinh diệt của thế giới, hết thế giới này đến thế giới khác, các thế giới nối tiếp nhau sinh diệt khôn cùng.

Ngài thấy chúng sinh chết chỗ này lại tái sinh chỗ kia. Ngài thấy chúng sinh trong các nẻo tử sinh thọ khổ thọ lạc tùy theo nghiệp báo. Người giàu sang quý phái, kẻ hạ tiện bần cùng, đều thọ nhận quả báo do nhân lành hoặc dữ mà họ đã tạo. Nghiệp tốt hay xấu đi theo họ như bóng theo hình, ai gieo nhân nào thì gặt quả ấy. Những ai sống theo đường lối bất chính, cướp của, giết hại chúng sinh, tà dâm, uống rượu mê say… phải bị đọa sinh vào ác đạo.

  Cúng cáo gia tiên để ghi tên con vào gia phả

Sao mai vừa mọc, ngày này cũng là ngày trăng tròn tháng tư âm lịch, cũng là ngày Đức Phật đản sinh. Lúc này Ngài vừa tròn ba mươi lăm tuổi. Vầng dương quang hoan hỉ đón mừng vị Pháp Vương vừa thành đạo. Tự thân Ngài hào quang sáu màu tỏa ra ngời sáng.

Từ nay chúng sinh sẽ có duyên đi đến nơi dứt khổ như Ngài. Thật là hạnh phúc! Đất trời nổi nhạc, muôn hoa đón mừng.

Từ đó về sau, Đức Phật không ngừng truyền bá giáo pháp của Ngài cho chúng sinh. Ngài dạy chúng sinh lý Tứ Diệu Đế:

“Đây là khổ

Đây là nguyên nhân sanh khổ,

Đây là sự dứt khổ,

Và đây là con đường đi đến nơi chấm dứt khổ đau”

Bốn mươi lăm năm sau, khi Đức Phật được tám mươi tuổi, Ngài nhập Niết bàn trước sự chứng kiến của rất nhiều thánh nhân đệ tử của Ngài, loài người lẫn chư thiên. Ngày ấy cũng là ngày rằm tháng tư âm lịch, cùng ngày Đức Phật đản sinh và ngày Ngài chứng quả Bồ đề.

Để tưởng niệm đến công đức của đức Thế Tôn, Phật tử khắp nơi đón mừng ngày Đức Phật đản sinh, ngày Đức Phật thành đạo và nhập Niết bàn. Do vậy, đây là ngày quan trọng nhất cho các hàng Phật tử trên toàn thế giới.

Ý nghĩa lễ Phật đản

Phật Đản còn gọi là Quán Phật Hội (hội tắm Phật), Giáng Đản hội (hội giáng sinh) đó là nghi thức tắm Phật. Ngày Phật đản tức là ngày Đức Phật Thích Ca ra đời.

Ngày Phật đản hay ngày Giáng sinh của Đức Phật, tiếng Pali gọi là Vesak. Vesak là tên của một tháng, thường trùng vào tháng năm dương lịch. Vesak cũng là tên của một ngày có ý nghĩa trọng đại nhất đối với hàng Phật tử khắp thế giới.

le-phat-dan2

Khi khoa học và văn minh càng tiến bộ thì Đạo Phật càng được phát triển, vì hầu hết những khám phá trong khoa học hiện nay thì Đức Thế Tôn đã nói ra cách đây từ hơn hai nghìn năm về trước, các kinh sách của Đức Phật đã để lại cho nhân loại một kho tàng quý báu. Tất cả đều dựa trên cái Tâm và Trí của thực thể con người, không ảo tưởng, không thần thoại, cũng không có cái gì là siêu hình, mê tín.

H.G. Wells, một học giả người Anh đã viết: Đức Phật là một nhân vật vô cùng giản dị, có Tâm Đạo nhiệt thành, tự lực một mình phấn đấu cho ánh sáng tươi đẹp, một con người sống, chứ không phải là một nhân vật của thần thoại, huyền bí, bên sau cái bề ngoài hơi ly kỳ thần thoại mà người đời hay gán cho Ngài, tôi chỉ thấy rõ một con người như bao nhiêu vị Giáo chủ khác. Ngài cũng truyền lại một tuyên ngôn, một hệ thống giáo lý rộng rãi khả dĩ, thích hợp cho tất cả loài người. Bao nhiêu ý niệm văn minh của ta ngày nay cũng hòa hợp được với giáo lý ấy. Ngài dạy rằng, tất cả cái bất hạnh và phiền não của con người là do lòng ích kỷ mà ra, Ngài đã nhất định không sống riêng cho Ngài mà phải sống cho kẻ khác, từ đó Ngài sống một cuộc đời siêu nhân trên tất cả mọi người. Xuyên qua trăm, ngàn ngôn ngữ khác nhau.

  Những điều cần biết về lễ tế ngu

Đức Phật dã dạy đức từ bi, hỷ xả gần 600 năm trước chúa Giesu ra đời. Đối với đời sống thực tại của ta cũng như đối với vấn đề trường tồn bất hoại của kiếp ta, Đức Phật đã tỏ ra biết trước. Thực vậy, Đức Phật đã nói:

“Ta là Phật đã thành, 

Các ngươi là Phật sẽ thành”.

Vậy mọi người trên thế gian này, nếu có tâm đạo, có ý chí quyết tâm, tu thân, tích đức, loại trừ cái tham, sân, si mà đi theo con đường Đức Phật đã vạch ra, thì cũng sẽ thành Phật, không phải như các huyền thoại khác lấy tôn giáo thần thánh hóa cá nhân để mê hoặc con người đi tìm một ảo tưởng vô hình. Đức Phật nói đúng, vì chính Phật cũng là một người như ta, nhưng Ngài đã vượt ra ngoài cái khuôn khổ của loài người để đi tìm một chân lý tối thượng hầu truyền lại cho con người đi theo con đường Chân, Thiện, Mỹ để tiêu diệt cái “Tâm độc ác, cái Trí ngu muội” trên trần gian, đem đến cho mọi người được thân tâm an lạc, thanh bình, thịnh vượng, hạnh phúc và có trí sáng tạo.

Một học giả, triết gia hiện kim người Anh có nói: “Đức Phật rõ là một nhân vật chủ trương thuyết phi thiên một cách cao thâm nhất từ cổ chí kim vậy”. Tựu theo giáo lý của Đức Phật, một học gia uyên thâm khác đã viết theo lời Phật dạy: “Thế giới là nhà ta, nhân loại là anh em ruột già ta, và vi thiện là đạo ta”. Từ hơn hai ngàn năm trăm năm về trước Đức Phật há chẳng nói: “Chớ nên làm ác, hãy làm lành, cố gắng lên, cố gắng làm cho tâm ngày càng trong sạch”. Đó là điều mà Đức Phật dạy chúng ta phải làm, chỉ có bấy nhiêu. Và chỉ nhờ có bấy nhiêu mà ta sẽ diệt được ba nạn là: Tham ái, sân hận, và si mê.

Để kỷ niệm ngày Đức Phật giáng trần và cũng là ngày đắc Đạo sau 6 năm khổ hạnh và 49 ngày tịnh tọa trên mớ cỏ khô dưới gốc Bồ Đề tại Bồ Đề Đạo Tràng (Buddagaya). Hàng năm cứ gần đến ngày rằm tháng tư âm lịch là toàn thể các tín đồ Phật giáo thuộc các giáo hội trên khắp thế giới nao nức tổ chức kỷ niệm ngày Phật đản sinh. Tại Hoa Kỳ các chùa, viện thuộc Bắc Tông, Nam Tông hay Đại Thừa và Tiểu Thừa, Mật Tông, hay Thiền Tông đều tổ chức trọng thể và trang nghiêm. Để nhắc nhở người con Phật ôn lại những răn dạy tinh hoa của Đức Thế Tôn, làm kim chỉ nam cho đời sống hiện tại cho mỗi người trên trần gian.

Mặt khác, khi nhìn lại lịch sử ta thấy bao nhiêu bạo lực độc ác của các đế quốc tàn bạo để nô lệ hóa con người, nhưng tất cả đã lần lượt tiêu tan theo thời gian ngắn ngủi. Chỉ có giáo lý của Đức Phật là còn tồn tại mãi mãi, bất diệt nơi tâm hồn của hàng triệu triệu người Phật tử nói riêng và nhân loại nói chung mỗi ngày một phát triển trên khắp năm châu.