Lễ hội cúng máng nước của người Xơ -Teng

Người Xơ-Teng định cư tập trung thành từng làng (plei) ở lưng chừng những sườn núi hình bầu dục. Mỗi làng có khoảng vài chục hộ gia đình, được bảo vệ bằng hàng rào lồ ô khép kín có lối ra và cổng vào. Ranh giới giữa các làng được phân định bởi các con suối hoặc ngọn đồi cao. Họ ở nhà sàn thấp, vừa và nhỏ có hình chữ nhật, mái lợp tranh, vách bằng gỗ, sàn trên dùng để ỏ và sinh hoạt, phần dưới để đồ dùng lao động. Nền văn hoá của đồng bào Xơ-Teng hội tụ đầy đủ những yếu tố đặc trưng của miền rừng núi, là bộ phận không thể tách rời trong bức tranh tổng thể của văn hoá các dân tộc thiểu số trên quần sơn Ngọc Linh nói riêng và Trường Sơn – Tây Nguyên nói chung.

le-hoi-cung-mang-nuoc-cua-nguoi-xo-teng-2

Cuộc sống của người Xơ-Teng chủ yếu dựa vào các thung lũng ruộng bậc thang và nương rẫy xung quanh làng. Cũng giống như người Mơ Nâm, người Xơ-Teng rất nổi tiếng vối nghề làm lúa nước, họ biết đắp đập làm thuỷ lợi dẫn nước vào tưới cho ruộng từ rất sớm.

Nguồn nước từ bao đời nay đã gắn bó trong lao động sản xuất, sinh hoạt và các hoạt động tín ngưỡng của mỗi người dân nơi đây. Người Xơ-Teng quan niệm rằng nước là cội nguồn của sự sống. Tiêu chí đầu tiên để họ lập làng là phải ở gần nguồn nước. Nếu trong làng thường xuyên xảy ra hạn hán, mất mùa, gia cầm dịch bệnh, thú dữ tấn công, hay có người chết… là do nguồn nước ở đó không thiêng và hội đồng già làng tổ chức cho dân đi lập làng mới ở gần một nguồn nước khác. Xuất phát từ vai trò quan trọng của nguồn nước trong đời sống cộng đồng dân cư, nên hàng năm họ thường tổ chức cúng thần Nước tại nơi có máng dẫn nước chảy về làng (nên gọi là cúng máng nước), lễ cúng máng nước được coi như “đại lễ”, nó được xếp ngang hàng với lễ ăn mừng lúa mới, đâm trâu huê… của cộng đồng dân cư nơi đây.

  Những điều cần biết về lễ khai hạ (hay còn gọi lễ hạ cây nêu)

Người Xơ-Teng cho rằng việc đầu tiên của năm mới là phải cúng nước mới. Do vậy, lễ cúng máng nước được tổ chức vào dịp năm mới. Hội đồng già làng quyết định thời gian, vật phẩm và phân công nhân sự phục vụ lễ. Lễ vật là một con heo đực to đủ để cả làng ăn trong hai ngày. Lễ cúng được chuẩn bị từ mấy ngày trước đó. Sáng sớm ngày khai lễ, khi rạng đông vừa ửng hồng, tất cả dân trong làng tập trung tại “hạ nguồn” máng nước  ngay trong làng, với những ống lồ ô và đồ đựng nước sinh hoạt. Hội đồng già làng và một số thanh niên mạnh khoẻ nhất trong làng khiêng con heo theo lối đưòng mòn của làng lên đầu máng nước. Đặt con heo trên một bệ làm sẵn, đuôi heo hướng lên rừng, đầu heo hướng xuống máng nước đang chảy. Sau bài cúng máng nước ngắn gọn và những lời cầu khẩn xin phép với núi rừng, thần linh. Già làng lấy ống nứa chọc tiết, tiết heo quyện vào nước theo máng chảy về làng. Lúc này, bả con dưới làng lấy ống lồ ô hứng những giọt nước đầu tiên có tiết heo mang đi nấu cơm và chế biến các món ăn để dâng lên cúng thần Nước, Mặt Trời, ông Đất. Trong đời sống tâm linh của người Xơ – Teng cho rằng Mặt trời, Ông Đất là 2 đấng tối cao luôn theo dõi và sống bên họ cả đời nên họ rất tôn thờ. Sau đó, cả làng già trẻ, gái trai đều tập trung quanh máng nước để rửa mặt, gội đầu, rửa chân, rửa tay… cuối cùng, mỗi gia đình được lấy một ống lồ ô nước tiết mang đi tưới vào các nương rẫy, thửa ruộng mỗi nơi một ít. Nếu đem dòng nước thiêng này rửa mặt thì mắt sẽ sáng hơn, da mặt sẽ hồng hào. Gội đầu tóc sẽ bóng mượt và khoẻ mạnh. Rửa chân, rửa tay thì chân tay sẽ cứng hơn để năm mới đi lên rẫy, lên rừng không biết mỏi, con vắt, con rắn sẽ không dám cắn vào chân. Tưới xuống rẫy, xuống ruộng thì cây ngô, cây lúa mùa này sẽ có đầy đủ nước, tươi tốt mãi và thú rừng sẽ không dám đến phá hoại.

  Những điều cần biết về lễ tơ hồng 

Lúc này, con heo đã chết hẳn, các thanh niên khiêng con heo về thẳng nhà rông. Tại đây, heo được làm thịt (thịt được phân ra làm hai phần, một phần để nấu cúng và một phần chia đều cho các gia đình trong làng). Các phụ nữ trong làng được phân công nấu nướng, chế biến món ăn truyền thống để cúng. Rượu cần được các gia đình cùng nhau mang đến. Sau khi các lễ vật cúng được chuẩn bị xong. Bếp lửa được đốt lên đỏ rực, tất cả dân làng tập trung đông đủ là lúc già làng trịnh trọng cúng thần Nước, Mặt Trời, ông Đất… Cúng xong, cả làng cùng nhau bên bếp lửa ăn uống, nhảy hát, kể chuyện. Đây là dịp để già làng kể cho con cháu và lớp trẻ trong làng về tổ tiên, luật tục, những câu chuyện truyền thuyết xa xưa của dân tộc họ nhằm giúp cho thế hệ kế cận biết, tuân thủ và giữ gìn. Là dịp để các gia đình trong làng mời anh em họ hàng, bạn bè đến nhà uống rượu, tâm sự, hát hò với nhau. Đặc biệt đây là cơ hội để các cặp trai gái gặp gỡ, tỏ tình, đối đáp với nhau. Cuộc vui cứ thê kéo dài cho đến ngày hôm sau.

Lễ cúng máng nước dịp đầu năm mới là một nghi lễ thiêng liêng của người Xơ-Teng đã tồn tại với cộng đồng của họ từ bao đời nay và chắc chắn nó sẽ trường tồn mãi mãi với núi rừng, với nương rẫy. Nó là ước nguyện của con người với thế giới núi rừng, với thần linh, cầu xin cho nguồn nước mãi hiền lành, êm ả chảy vào cuộc sống của họ. Cầu mong cho mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt, mọi người trong làng được khoẻ mạnh, đoàn kết đùm bọc lẫn nhau chống lại dịch bệnh, thiên tai, thú dữ… và đây cũng là ước muốn muôn thưở của cộng đồng các dân tộc ít người sống trên dãy Trường Sơn đại ngàn.

  Những điều cần biết về lễ Cúng đưa (ngày mồng 3 Tết)