Tục thờ Cá Ông của ngư dân Nam bộ
Không chỉ ở duyên hải Trung bộ mới có lăng mộ và đền thờ Cá Ông (cá voi), mà duyên hải Nam bộ cũng có nhiều nơi thờ Cá Ông, trong đó có hai nơi thờ lớn hơn hết là lăng Cá Ông ở Vàm Láng (Gò Công) và lăng Cá Ông ở Vũng Tàu (Đình thần Thắng Tam).
Theo sách Đại Nam nhất thống chí, phần lục tỉnh Nam Việt, thì lăng Cá Ông ở Vũng Tàu thờ Nam Hải Long vương, còn Vàm Láng thì thờ Nam Hải Đại tướng quân, tức đều thờ thần Cá Ông.
Theo ông Thái Văn Kiểm, tác giả cuốn Đất Việt trời Nam thì tục thờ Cá Ông là do người Chiêm Thành truyền lại. Ở đất Chiêm thuở xưa có nhiều bài ca nói đến thần Cá Ông. Theo bài ca ấy thì ba người con của vua Kỳ Nam (Patan Gahlan) kết hợp với Cá Ông để ngự trụ xứ này. Khi Cá Ông xuất hành thì tất cả các loài cá khác phải theo chầu hầu. Ngày nay, người ta thờ cúng Cá Ông vì theo quan niệm của người làm nghề biển loài cá này luôn cứu giúp người lâm nạn khi đi biển và xưa nay chưa hề thấy loài cá này hại ai bao giờ.
Thỉnh thoảng một vài Cá Ông chết từ ngoài khơi trôi dạt vào bờ, ngư dân trông thấy liền hợp lực với nhau đưa “Ông” lên bãi rồi lo tổ chức mai táng. Cá Ông chết như thế gọi là “Ông” lụy. Mùa gió Đông Bắc là mùa “Ông” lụy nhiều nhất. Theo sự tin tưởng của ngư dân, sở dĩ “Ông” lụy là do mấy nguyên nhân sau: Một là “Ông” quá lớn tuổi, sức đã kiệt; hai là bị các loài cá khác ép gây thương tích, lâu ngày thịt bị thối rữa đến chết; ba là “Ông” bị gió bão đánh dạt vào bờ rồi va vào ghềnh đá rồi chết.
Tục lệ từ lâu quy định rằng, hễ ai trông thấy “Ông” lụy trước tiên thì người ấy được quyền làm chủ tang (trưởng tử), kêu gọi toàn thể dân làng và các phương tiện đóng góp tiền bạc để chôn cất. Ngư dân tin rằng, ai được làm chủ tang sẽ gặp nhiều may mắn, làm ăn thịnh vượng, ngư dân Nam bộ còn tin, cá “Ông” lụy ở đâu thì dân làng ở đó có vận may. Trong lễ tang Cá Ông, người chủ tang được xem như con trưởng, phải chít khăn tang, mặc áo gai, có bổn phận lo an táng cho chu đáo.
Hầu hết các lăng miếu Nam bộ thờ Cá Ông đều có ngọc cốt. Đầu cá Ông được trùm vải đỏ. Lăng “Ông” thường có ba phần: phần chính là lăng – nơi để xương Cá Ông, thường là cả bộ xương hay một phần của bộ xương; một bên là bàn thờ tả lý ngư (tức một hộ vệ của Cá Ông), một bên là bàn thờ hữu lý ngư (cũng là một hộ vệ của cá Ông). Một bộ xương của Cá Ông phải là một bộ xương thật chứ không phải là vật tượng trưng.
Tế lễ Cá Ông hằng năm gọi là lễ Nghinh Ông có kèm theo lễ cầu ngư, theo một ngày nhất định (như ở Vàm Láng, Gò Công vào ngày 16 tháng 6 âm lịch, ở Vũng Tàu vào ngày 16 tháng 8 âm lịch), có nơi thì không theo. Đây là lúc ngư dân mở hội ăn mừng, vui chơi thỏa thích. Và tất cả liên quan đến nghề lưới cá đều tạm ngưng hoạt động trong thời gian lễ hội.
Có thể thấy rất rõ hai phần lễ và hội trong ngày cúng “Ông”. Ngày cúng “Ông” bao giờ cũng được chia làm ba thời điểm: lễ cúng Nghinh Ông, lễ cúng tiền hiền, hậu hiền và lễ cúng chánh tế. Bữa cúng bắt đầu từ tờ mờ sáng có một đoàn thuyền đi rước “Ông” mà ngư dân gọi là “Nghinh Ông”. Trên thuyền có trang bị dàn nhạc ngũ âm, một vài người biết múa lân. Thuyền có treo cờ kết hoa, dừng lại ở nơi cửa sông và biển giáp nhau, có ba hồi tù và vang lên, sau đó tiến ra biển, khi ấy kèn và trống nổi lên không dứt. Thuyền ra khơi “Nghinh Ông” chờ “Ông” lên vọi. Có năm thuyền gặp Ông lên vọi, năm ấy được mùa. Sau đó đoàn thuyền quay trở về. Chiếc thuyền đi đầu được coi như anh hùng của vạn lạch.
Kế đó là tổ chức phần cúng lễ tại làng. Các chủ thuyền đều có cúng ngay tại thuyền mình. Riêng phần lễ cúng của làng là cúng tiền hiền, hậu hiền. Việc tiếp khách và ăn uống được bắt đầu với người đi biển. Có thể nói, ngày cúng “Ông” là ngày vui nhất của ngư dân. Phần cuối cùng của lễ là lễ cúng chánh tế, bắt đầu 12 giờ khuya cùng ngày. Lễ cúng là một con heo, hai mâm xôi, rượu và trà. Điều khiển buổi lễ cúng là một ngư dân cao tuổi, có uy tín trong làng. Học trò lễ và dàn nhạc ngũ âm là những người đàn ông được chọn trong số ngư dân địa phương.
Cùng diễn ra song song với phần lễ cúng chánh tế là phần sinh hoạt văn nghệ. Thông thường, dân làng rước những gánh hát bội về trình diễn cho dân làng xem.
Tục thờ cúng Cá Ông ở Nam bộ tồn tại như một tín ngưỡng của ngư dân miền biển. Các động thái cầu cúng, diễn xướng trong lễ hội này đều mang một nội dung chung qua các bài chèo bả trạo đưa ông, là cầu mong được mùa cá, làng xóm bình yên, mọi nhà no đủ.