Những điều cần biết về nghi thức tế tự trong họ

Nghi thức tế tự trong họ

Lễ nghi bao gồm việc tế lễ đối với thần linh, đối với người cõi âm và cả việc giao tiếp, chào hỏi, thết đãi đối với người đang sống. Lễ nghi đối với phần âm cũng như đối với phần dương phải tuỳ thời đại, tuỳ cảnh ngộ, tuỳ đối tượng, tuỳ phong tục địa phương mà vận dụng thích hợp.

nhung-dieu-can-biet-ve-nghi-thuc-te-tu-trong-ho-1

Nói riêng về tế tự đối với gia thần, gia tiên, từng nhà từng họ, thời nay đã khác xưa nhiều: Từng nhà thì phổ biến là nghi thức thắp hương, khấn vái thay cho lễ hưng bái, phần hương, sái tửu, điểm trà, đọc chúc văn… đối với họ thì phạm vi rộng lớn hơn, uy nghi hơn. Thời xưa lễ tổ còn phải dùng điển tế (nghi thức tế cao hơn lễ). Tế phải có nhạc, có trống chiêng, có quỳ bái điển đọc, có sơ hiến, á hiến, tam hiến tuần, mọi động tác phải tuân theo đúng lời xướng và tiếng trống, tiếng chiêng. Thời gian hành lễ, phải một đến hai tiếng đồng hồ mới xong nhiệm vụ của người chủ tế và bồi tế, chưa kể thời gian từng chi một, từ lớp thúc phụ đến lớp con cháu lần lượt vào vái lạy, mỗi người bốn lạy, ba vái.

Thời nay nhiều họ đã đổi mới. Buổi lễ tế tổ hàng năm rất uy nghi rầm rộ, tất cả con cháu xa gần, trai gái, dâu rể, nội ngoại đều đến dự đông vui. Thay thế nghi thức lễ tế ngày xưa (như đã nói trên) bằng nghi thức tưởng niệm công đức tổ tiên: trình bày tiểu sử và công trạng Thuỷ tổ cùng các vị tiên tổ, làm lễ dâng hương hoa, và mặc niệm. Kết thúc buổi lễ tộc trưởng đọc lời chúc tụng các vị cao lão trọng họ, trình bày chủ trương kế hoạch năm sau và phát lời kêu gọi dặn dò con cháu. Những năm gần đây có một số họ, một số địa phương theo xu hướng phục cổ tiến hành lễ tế có quỳ bái điển đọc như xưa, tất nhiên không thể uy nghiêm như lớp cha ông ta tiến hành trước đây song cũng khá cầu kỳ tốn kém.

  Tìm hiểu về tục cầu mưa của người Thái

Vấn đề hiện nay nhiều người nhiều nơi còn bàn cãi là: Họ ta nên tế tổ theo nghi thức cũ hay mới? Theo quan niệm của các cụ ngày xưa: Tế thần như thần tại. Khi tế tổ phải tưởng tượng như các vị là từ Thuỷ tổ đến các vị tiên tổ các đời đang ngồi trên bàn thờ nhìn con cháu. Các họ tiến hành theo lệ cũ cũng có ý nghĩa nhắc lại cho con cháu đời nay biết không khí trang nghiêm mà cha ông ta đã tiến hành ngày trước.

Trong nghi thức cũng có những động tác có tính chất biểu tượng mà thôi. Thí dụ: Trước khi vào tế, chủ tế và bồi tế phải làm lễ rửa tay (quán tẩy sở), chủ tế phải cùng với hai người chấp sự đi lễ vật xem ấm chén, mâm bàn đã trang nghiêm tinh khiết chưa? Trong bài xướng có một mục gọi là “ế mao huyết”. Người chấp sự đi kèm với chủ tế đem một cái đĩa trong đó có đựng sẵn vài cái lông (bò, gà, lợn) cùng với 1 chút huyết đã để sẵn trên bàn thờ đem xuống vứt bỏ đi, coi như đó là vật uế tạp phải vứt đi trước khi hành lễ. Trong bài xướng lại có mục “ẩm phước, thụ tộ” sau ba tuần rượu cúng xong với ý nghĩa thần linh hay Thuỷ tổ, tiên tổ đã hưởng lễ xong, nay ban cho con cháu được hưởng lộc. Người chủ tế sau khi nghe xướng “ẩm phước, thụ tộ”, bước lên quỳ trước hương án, hai người chấp sự hai bên bước lên nhận một chén rượu và miếng thịt vai (tộ) đặt sẵn ở bàn thờ cao nhất, đi xuống quỳ dâng cho chủ tế. Chủ tế cầm vái một vái và uống liền ăn liền, có nghĩa là uống cho thần linh chứng kiến, (phong tục này ảnh hưỏng của Trung Quốc). Chén rượu và miếng thịt vai là hai thứ quý nhất trong lễ vật, (Việt Nam dùng miếng trầu thay cho miếng thịt, vì ăn thịt nhai nhồm nhoàm trong khi đang cúng rất bất tiện, hơn nữa trong văn hoá dân tộc ta miếng trầu có vị trí cao quý). Tất cả những động tác trên chỉ là biểu tượng của lòng thành kính.

  Những điều cần biết về văn khấn trong tang lễ

Việc theo nghi thức cũ hay mới là tuỳ từng họ. Những năm gần đây có đội hành lễ chuyện nghiệp do toàn phụ nữ đóng, có áo mũ hài hốt rất đẹp, động tác lên xuống quỳ bái rất chuẩn, rất hợp điển, hợp nhạc chuyên phục vụ lễ hội các địa phương. Nhiều dòng họ cầu kỳ còn mời những đội này về tế lễ trong ngày giỗ tổ. Tế theo nghi thức cũ thì phải có chủ tế, bồi tế, điển, độc, người đánh trống đánh chiêng… phải có khoảng một hai chục người chấp sự trong họ biết làm. Song quan trọng nhất vẫn phải phổ biến giáo dục cho con cháu biết ý nghĩa buổi lễ, đừng để lớp trẻ coi như làm trò diễn kịch mà giảm lòng thành kính mất đi không khí trang nghiêm.