Phong tục lập tự của người Việt

Phong tục lập tự của người Việt

Trong ngày giỗ, người xưa tin rằng việc cúng lễ phải do người cùng khí huyết với người đã khuất khấn vái thì hương hồn người đã khuất mới có thể về phối hưởng được. Chính xuất phát từ niềm tin này, nên mỗi gia đình, ai cũng mong muốn sinh được một người con trai để lập tự, tức là người giữ việc hương khói thờ phụng tổ tiên. Trong một gia đình, lập tự trước hết phải lập con trai của người vợ cả (đối với trường hợp đa thê). Nếu vợ cả quá 50 tuổi mà không có con trai, mới lập con của người vợ thứ. Nếu vợ cả, vợ thứ, đều không có con trai nào, thì phải chọn một người cháu gọi bằng chú hay bác. Trường hợp không có cháu gần thì lập cháu xa để giữ việc thờ tự cho mình.

Lập tự là phải theo thứ hạng “chiêu mục”, nghĩa là người dưới được thừa tự cho người trên như cháu thừa tự cho chú, bác; em thừa tự cho anh. Ngược lại, chú bác không thể thừa tự cho cháu, và anh không được thừa tự cho em.

Người được lập tự, nếu là con nuôi (với điều kiện, cùng khí huyết với cha mẹ nuôi. Tục không cho lập tự người con nuôi khác họ) người được lập nên, phải ăn ở với cha mẹ nuôi như cha mẹ đẻ, làm đúng phận sự như người con đẻ, không được tự ý bỏ cha mẹ nuôi về nhà cha mẹ đẻ của mình. Trường hợp sau khi lập con nuôi làm thừa tự, thì cha mẹ nuôi sinh được con trai, người con nuôi thừa tự có thể về với cha mẹ đẻ mình, hoặc có thể ở lại với cha mẹ nuôi sẽ được hưởng một phần gia tài như con đẻ và được hưởng mọi quyền lợi như con đẻ. Trong lập tự là con nuôi không được chọn những người là con độc đinh hoặc con trưởng. Vì những người con này họ còn phải giữ việc khói hương của chính cha mẹ đẻ.

  Tục lệ dâu, rể làm lễ gia tiên 

phong-tuc-lap-tu-cua-nguoi-viet-1

Người đàn ông không có con không lập tự lúc còn sống, thì đến khi chết, người vợ có bổn phận hiệp thương với tộc trưởng để lập tự, lấy người cúng giỗ cho chồng và gia tiên nhà chồng.

Trong trường hợp những người đã hỏi vợ nhưng chưa cưới, hay mới cưới vợ nhưng chưa có con và chẳng may qua đời sớm, thì cha mẹ sẽ là người lập tự cho con. Những người chết yểu (chết lúc chưa trưởng thành) không được lập tự. Những vong hồn của những người này được thờ phụng tại bàn thờ chung của gia đình. Cũng có khi vong hồn họ rất linh thiêng thì có thể lập bàn thờ riêng. Việc cúng giỗ sẽ do người con trưởng đảm trách.

Con rể không được thừa tự cho cha mẹ vợ. Nếu người con rể ở rể, khi cha mẹ vợ chết phải chọn người cùng tông lập tự.

Nếu người thừa tự được lập rồi, nhưng trong cuộc sống lại là người ăn ở xấu dạ, ngông cuồng thì có thể bị phế bỏ, lập người khác, trường hợp này gọi là lập hiền hay lập ái.

Xưa kia việc lập tự khá phổ biến nhưng ngày nay việc lập tự chỉ còn tồn tại ở một số ít địa phương và quan niệm lập tự ít nhiều có sự thay đổi. Chẳng hạn không có con trai thì lập con gái, không có con thì lập cháu,…

Do vậy mà trong nhiều gia đình hiện nay, nếu không có con trai, con gái vẫn thường cúng giỗ cho cha mẹ đẻ, hoặc cũng có khi cháu ngoại đảm trách vai trò cúng giỗ cho cha mẹ, và cũng có trường hợp cháu ngoại cúng giỗ ông bà,…

  Tục thờ cúng vía lúa của người Dao