Đôi điều cần biết về cúng ngày Tiên thường

Cúng ngày Tiên thường

Trước ngày giỗ chính là ngày Tiên thường có nơi gọi là cáo giỗ, bởi trong ngày giỗ này con cháu báo cáo với người đã khuất sự cúng giỗ của ngày hôm sau.

Tiên thường hay cáo giỗ chỉ có ở những ngày giỗ quan trọng. Còn những ngày giỗ mọn, giỗ thường con cháu chỉ cúng hoặc giỗ chính. Ngày giỗ trọng là giỗ ông bà, cha mẹ, vợ hoặc chồng.

Trong ngày tiên thường, người trưởng tộc làm lễ cáo với Thổ công, ngày hôm sau là ngày giỗ xin phép Thổ công được cúng giỗ cho hương hồn người đã khuất về phối hưởng, đồng thời cúng khấn xin Thổ công cho phép vong hồn nội – ngoại gia tiên nhà mình cũng được về dự giỗ. Vì được sự đồng ý của Thổ công, hương hồn của những người đã khuất mới về được trong nhà hưởng giỗ. Nghĩa là theo quan niệm của người xưa, thì vong hồn người khuất muốn về thăm con cháu, dự giỗ đều phải xin phép Thổ công trước.

doi-dieu-can-biet-ve-cung-ngay-tien-thuong-1

Tục quy định trong ngày lễ tiên thường, gia trưởng phải mang lễ ra mộ người được hưởng giỗ để mời vong hồn vị này về phối hưởng và cũng là dịp để con cháu sửa sang, đắp lại (nếu sụt lở) phần mộ của người đã khuất.

Ngày tiên thường con cháu phải đến nhà trưởng tộc để soạn giỗ ngày hôm sau. Dọn dẹp bàn thờ từ buổi sáng, để buổi chiều cúng cáo giỗ.

  Tìm hiểu về tục thờ Thành Hoàng làng

Những con cháu nào gửi đồ, mang đồ lễ tới nhà trưởng tộc trong ngày tiên thường cũng có thể mang đến trước mấy ngày. Ngày tiên thường cũng có làm giỗ cúng. Cúng xong con cháu và những người làm giúp cùng ăn.

Cúng cáo giỗ phải có lễ cúng Thổ công, và phải khấn Thổ công trước khi khấn tổ tiên. Khấn giỗ ngoài việc mời hương hồn người được cúng giỗ phải khấn mời hương hồn nội ngoại, gia tiên về dự giỗ.