Những điều cần biết về tục thờ các vị Thần Nông nghiệp

Tục thờ các vị Thần Nông nghiệp

Nằm ở phía Tây Nam đồng bằng Bắc bộ, vừa là vùng đồng bằng, vừa là vùng bán sơn địa, sản xuất nông nghiệp là chính, các cư dân nông nghiệp Hà Nam cho đến nay vẫn còn lưu giữ trong đời sống văn hóa tinh thần của mình nhiều hình thái tín ngưỡng thờ thần nông nghiệp cổ sơ. Đậm nét nhất, có thể nói, là tín ngưỡng thờ Tứ Pháp.

Tín ngưỡng thờ Tứ Pháp là tín ngưỡng thờ bốn vị thần tự nhiên có ảnh hưởng quyết định đến đời sống nông nghiệp đang ở tình trạng lệ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên. Đó là bốn vị: thần Mưa (Pháp Vũ), thần Mây (Pháp Vân), thần Sấm (Pháp Lôi), thần Chớp (Pháp Điện). Truyền thuyết về việc xuất hiện tục thờ bốn vị thần này được ghi lại trong cuốn Lĩnh Nam chích quái (thế kỷ XIV) với tên Truyện Man Nương.

Truyện kể rằng ở vùng Thuận Thành, Bắc Ninh, có cô gái Man Nương đến chùa Phúc Nghiêm dốc lòng học đạo. Trụ trì chùa này là một nhà sư Ấn Độ tên là Khâu Đà La. Tình cờ một hôm, nhà sư vô tình bước chân qua người Man Nương mà nàng có mang. Đến khi sinh con nàng Man Nương đã mang đứa trẻ đến trả nhà sư. Nhà sư đem đứa con đó gửi vào gốc cây và trao cho Man Nương một chiếc gậy và dặn khi nào hạn hán thì lấy gậy chọc vào đất để lấy nước cứu dân. Khi Man Nương 80 tuổi, cây cổ thụ mang đứa con của bà bị đổ, trôi đến bến sông Dâu. Bao nhiêu người cũng không kéo nổi cây lên bờ, chỉ đến khi Man Nương động tay vào thì cây di chuyển. Man Nương cho tạc cây thành 4 pho tượng Phật. Khâu Đà La đặt tên là Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện, mang vào chùa thờ tự. Đứa con bà gửi gốc cây nay đã hóa đá, rìu chạm vào bị mẻ hết, rước vào điện Phật để thờ thì tảng đá phát hào quang rực rỡ. Người bốn phương tới đây cầu mưa, không lúc nào không ứng nghiệm, từ đó người ta gọi Man Nương là Phật Mẫu. Ngày mùng 8 tháng 4 Man Nương tự nhiên hóa, nhân dân lấy đó làm ngày sinh của Phật. Hàng năm tới ngày này, người bốn phương đến tụ tập ở chùa để vui chơi, tưởng nhớ đến Mẹ Phật.

  Những điều cần biết khi cúng tại Đình, Đền, Miếu, Phủ

nhung-dieu-can-biet-ve-tuc-tho-cac-vi-than-nong-nghiep-1

Thoạt đầu, Tứ Pháp chỉ được thờ trong các chùa ở vùng Luy Lâu. Dần dần, do tính chất linh ứng của nó mà lan dần ra nhiều vùng quê ở châu thổ Bắc Bộ, trong đó có một số vùng quê ven sông Đáy của tỉnh Hà Nam. Tương truyền, các làng quê vùng Hà Nam nghe đến tiếng Tứ Pháp ở Bắc Ninh linh ứng đã lên đó xin rước chân nhang để thờ. Từ khi rước Tứ Pháp về thờ thì được mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Các nơi thờ Tứ Pháp ở Hà Nam gồm có:

  • Thờ Pháp Vân: Chùa Quế Lâm (Văn Xá, Kim Bảng), chùa Do Lễ (Liên Sơn, Kim Bảng), chùa Thôn Bốn (Phù Vân, Kim Bảng), Chùa Tiên (Thanh Lưu, Thanh Liêm).
  • Thờ Pháp Vũ: Chùa Bà Đanh (Ngọc Sơn, Kim Bảng), Chùa Trinh Sơn (Thanh Hải, Thanh Liêm).
  • Thờ Pháp Lôi: Chùa Đặng Xá (Văn Xá, Kim Bảng), Chùa Nứa (Bạch Thượng, Duy Tiên).
  • Thờ Pháp Điện: Chùa Bà Bầu (thị xã Phủ Lý).

Các chùa khác như chùa Quyển Sơn (Thi Sơn, Kim Bảng), chùa Thanh Nộn, chùa Phú Viên, chùa và đình làng Lạt Sơn (xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng), chùa Thanh Thôn (Văn Xá, Kim Bảng) có tự thờ Tứ pháp trong thần điện.

Tứ Pháp đã được nhân dân gọi bằng những cái tên nôm na thân mật. Ví dụ như: ở Hà Nam người ta Pháp Vũ được gọi là bà Đanh (chùa Bà Đanh), gọi Pháp Vân là bà Bến (chùa Quế Lâm), gọi Pháp Điện là bà Bầu (chùa Bà Bầu)…

  Những điều cần biết về cúng Thần tài

Hàng năm cứ vào dịp Tết nguyên đán, rằm tháng Giêng, rằm tháng Bảy, đặc biệt là ngày mồng 8 tháng Tư, dân các địa phương gần xa lại đến chùa mở hội, rước kiệu, cầu nguyện tấp nập. Vào những năm hạn hán hay mưa gió thất thường, các chùa Bà Đanh, chùa Bến, chùa Bà Bầu người ra vào cũng lễ rất đông. Điều đặc biệt là đến nay, việc thờ cúng Tứ Pháp ở các địa phương ở nước ta bắt đầu có xu hướng gia tăng cả về quy mô lẫn phạm vi lễ thức. Nhân dân đóng góp tiền của để được tu bổ và tôn tạo lại các ngôi đền chùa rất khang trang.

Xét bản chất sâu xa, tín ngưỡng Tứ Pháp bắt nguồn từ quan niệm vạn vật hữu linh. Đây là một quan niệm tối cổ của con người trong quá trình sống do phải đối mặt với muôn vàn khó khăn mà thiên nhiên tạo ra. Quan niệm vạn vật đều có linh hồn, người nguyên thủy nhìn thấy đằng sau mỗi hiện tượng tự nhiên đều có một vị thần. Vị thần đó quyết định sự vận hành của vũ trụ, trong đó có đời sống con người, đặc biệt, đối với một vùng đất nông nghiệp trồng lúa nước. Quan niệm về thần Mưa, thần Gió hẳn đã ăn sâu vào tâm thức người dân Việt từ xa xưa, trước khi Phật giáo đặt chân tới mảnh đất này. Đến khi Phật giáo vào Việt Nam, các nhà sư đã thấy rõ điều đó và nhận thấy, nếu Phật giáo muốn bén rễ vào mảnh đất này thì phải có sự dung hòa với tín ngưỡng dân gian. Nhận thức ấy không sai lầm, và đó là nguyên nhân sâu xa của cuộc hôn phối tinh thần giữa một người con gái bản địa (tượng trưng cho tín ngưỡng dân gian) với một vị chân tu thông tuệ (tượng trưng cho một tôn giáo lớn). Kết quả của sự giao thoa văn hóa ấy là hệ thống Tứ Pháp, bốn vị Phật mang đậm tính chất dân gian của người Việt mà có nhiều ý kiến gọi là Phật giáo dân gian.

  Tết Hạ Nguyên (hay Tết Cơm mới ngày 15 tháng 10)

Người phụ nữ Việt Nam, người có công tái tạo một tôn giáo lớn trong những cơ thể mới mang đậm tính bản địa, rất thiêng liêng, huyền bí mà lại gần gũi với cuộc sống đời thường của người dân, được tôn làm Mẹ Phật. Đó là sự tôn vinh đối với người có công tái tạo sinh thành một hình thức tôn giáo mới, tôn giáo của người dân cầu mong mưa thuận gió hòa, phong đăng hòa cốc, tôn giáo của sự phát hiện ra sự tương tác mật thiết giữa sự huyền bí của vũ trụ với cuộc sống đời thường. Đó là triết lý sâu xa của tín ngưỡng thờ Tứ Pháp trong đời sống tâm linh của người dân Việt.